Sunday, February 7, 2010

Bắc Hàn chấn động sau đổi tiền

Bắc Hàn chấn động sau đổi tiền
Marcus Noland
Viện Kinh tế Quốc tế Peterson

Việc Bắc Hàn đột nhiên đổi tiền đã gây bất ổn cho nền kinh tế, nhưng liệu nó có làm biến động cả bầu chính trị nước này nữa hay không?

Hôm 30/11/2009, Bắc Hàn bất ngờ tung ra đợt cải cách trưng thu tiền tệ, nhằm trấn áp các thị trường tư đang manh nha và vực dậy chủ nghĩa xã hội.

Hành động này đúng như dự kiến đã gây ra hỗn loạn, và giờ đây, có vẻ như chính phủ đã phải lùi bước, đồng ‎ý với việc tái mở lại các chợ tư.

Câu hỏi giờ đây là chuyện này sẽ có tác động như thế nào tới việc chuyển giao lãnh đạo sắp tới của Bắc Hàn?

Trong thập niên 1990, nhà nước Bắc Hàn thấy rằng họ không còn khả năng hoàn tất các nghĩa vụ của hệ thống kế hoạch hóa tập trung. Kết quả là nền kinh tế Bắc Hàn bị buộc phải chấp thuận một số nguyên tắc của thị trường tự do.

Các đơn vị xã hội quy mô nhỏ - như các hộ gia đình, đơn vị lao động, văn phòng chính quyền địa phương và cơ quan đảng - thậm chí cả các đơn vị quân sự nhỏ, bắt đầu phải kinh doanh để tồn tại.

Áp lực thị trường tự do từ người dân bên dưới được thúc đẩy mạnh thêm trong thời kỳ diễn ra nạn đói vào giữa những năm 90, khi có khoảng từ 600 ngàn đến một triệu dân, tức 3 đến 5% dân số khi đó, thiệt mạng.

Chính quyền Bắc Hàn cảm thấy hết sức không an tâm về các hậu quả chính trị trong nước do thay đổi kinh tế. Đôi khi, họ đồng ý đánh giá tình hình thực địa, nhưng đôi khi họ lại đảo ngược cả tiến trình.

Xu hướng trong 5 năm qua thường xuyên là tiêu cực, và biện pháp cải cách trưng thu tiền tệ vừa qua có thể được hiểu là biện pháp mới nhất trong một loạt các động thái nhằm tái khẳng định sự kiểm soát của nhà nước đối với kinh tế.

Không báo trước

Trên nguyên tắc, cải cách tiền tệ không phải là chuyện xấu.

Các chính phủ thường sử dụng biện pháp này để ra dấu sau một thời gian lạm phát cao là những ngày tồi tệ đã qua, và họ sẽ theo đuổi các chính sách kinh tế vĩ mô hợp lý hơn trong tương lai.

Thông thường, một chính phủ sẽ đưa ra một loại tiền tệ mới với lượng số thập phân nhất định hoặc bỏ bớt đi các số 0, và thường liên hệ mệnh giá tiền mới với một loại tiền thông dụng như dollar hay euro.

Trong những năm gần đây, các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và Ghana đã thực hiện những biện pháp cải cách tương tự.


Biểu đồ về chi phí gia tăng tại Bắc Hàn

Trường hợp Bắc Hàn lại đặc biệt khác với thông lệ, ở chỗ hành động này bị áp đặt lên dân chúng mà không có khuyến cáo từ trước; và nghiêm trọng nhất, người ta áp đặt một hạn chế lớn đối với khả năng chuyển đổi tiền mặt.

Trên thực tế, điều này xóa đi một lượng lớn tiền tiết kiệm của các hộ gia đình cũng như vốn hoạt động của rất nhiều công ty tư nhân.

Người dân được lệnh là trong một tuần, họ phải đổi một lượng tiền cũ hạn chế thành tiền mới, với tỉ lệ 100 ăn 1 (có nghĩa là một won mới bằng 100 won cũ).

Tuy nhiên, mức hạn chế này có nghĩa là số tiền họ được phép đổi chỉ mua được chừng 50kg gạo với giá thị trường.

Tuyên bố này khiến cho người dân hốt hoảng đổ xô đi mua sắm, vì họ phải làm sao tiêu nhanh số tiền chẳng mấy chốc sẽ không còn giá trị. Họ phải mua ngoại hối hoặc các hàng hóa, đồ đạc có khả năng giữ giá.

Khi giá đồng won của Bắc Hàn suy sụp tại các chợ đen, chính phủ ra thêm sắc lệnh cấm sử dụng ngoại tệ, đặt mức giá chính thức đối với các mặt hàng, và hạn chế thời gian mà các chợ và hàng hóa được phép mua bán một cách hợp pháp.

Vật tế thần

Tuy nhiên, khi xã hội bắt đầu đưa ra phản kháng lại các hành động này, chính phủ buộc phải thoái lui, đưa ra đề nghị tăng lương bồi thường, đôi khi là trả lương công nhân vẫn ở mức cũ nhưng bằng tiền mới, có nghĩa là tăng gấp 100 lần thu nhập.

Kết quả là các chợ bị tan rã, do các thương nhân cảm thấy bị đe dọa vì quy định thay đổi đã quyết định giữ lại hàng hóa cung cấp, khiến cho nhiều người dân được biết phải áp dụng phương thức hàng đổi hàng.


Chính phủ nay phải nới lỏng hạn chế về thị trường tự do

Tin tức - vốn rất khó nếu không nói là không thể kiểm chứng được - cho hay đã có các biểu tình, bất ổn dân sự, thậm chí cả các vụ tấn công nhân viên chính phủ đang tìm cách áp đặt các biện pháp hạn chế mới này.

Trong diễn biến mới nhất, chính phủ có vẻ như lùi bước, giảm bớt hạn chế thị trường và theo một số nguồn tin, đã đưa ông Pak Nam-gi, Giám đốc Tài chính của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, làm con vật tế thần vì chính sách thất bại.

Tính chính trị của vấn đề này vẫn còn để lại quá nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời.

Cho dù thực tế là đợt đổi tiền vừa rồi là sự kiện kinh tế lớn nhất trong năm, nó không được nhắc gì tới trong các ấn bản chính thức hay xã luận ngày đầu Năm mới.

Một số tin tức từ các mạng lưới của người Bắc Hàn hải ngoại cho biết chính sách này được đưa ra bởi Kim Jong-eun, con trai thứ ba của lãnh đạo Bắc Hàn, người được cho là sẽ lên thay bố. Hành động này cũng được cho là để đánh dấu sự xuất hiện của ông ta như một nhân vật chính trị lớn.

Giờ đây, câu hỏi vẫn còn để ngỏ là liệu thất bại thảm hại này sẽ làm tổn hại đến đâu triển vọng kế nghiệp của ông ta tại một nhà nước tuy thất bại nhưng lại có vẻ có khả năng hạt nhân.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/02/100207_nkorea_currencyreform.shtml